Thuốc lá tắm (tiếng Dao gọi là Đìa dảo xin) không chỉ của riêng người Dao đỏ ở Sa Pa (Lào Cai) mà còn là một dạng thuốc phổ biến của nhóm người Dao khác tại Việt Nam.
Đó là một dạng đặc biệt về cách sử dụng cây cỏ làm thuốc để chăm sóc sức khoẻ và chữa bệnh ở người đã có từ rất xa xưa, đây còn là nét đẹp văn hoá y học cổ truyền trong cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam.
Theo những người có kinh nghiệm làm thuốc, mỗi bài thuốc tắm được người Dao đỏ chế biến từ 10 -120 loại lá cây, thân cây dược liệu khác nhau. Mỗi loại thảo dược để phát huy tốt nhất công dụng phải có cách sơ chế khác nhau. Có loại phơi hoặc sao khô đúng cách, hoặc sử dụng tươi mới cho kết quả sử dụng tốt nhất. Nếu sử dụng tại chỗ cho nhu cầu trong gia đình hay cho khách tắm tại nhà như đã được tổ chức gần đây ở các xã Tả Van, Tả Phìn (Sa Pa) thì dùng tươi. Đối với một số cây hiếm, cần dự trữ để sử dụng quanh năm thì người ta phải làm khô (thường bó lại từng nắm nhỏ rồi để trên gác bếp).
Một số loại thực vật có công dụng tốt cho da phải kể đến như kim ngân, thìa là, lá khế, hoàng bá nam và long não. Bên cạnh đó là những nguyên liệu tốt cho xương khớp như thổ lục linh, bách quản, tam huyết, thanh táo, thiên niên kiện, tân quy, lá lốt và những loại thảo dược hữu dụng với quá trình tiêu hóa của cơ thể như máng tang, mạn khâu từ, sả, hồi, quế, thủy xương bồ…
Lá tắm của người Dao đỏ là một trong những sản phẩm quý của vùng núi Tây Bắc, những bài thuốc này có giá trị tốt với những bệnh nhân mắc các bệnh đau nhức xương khớp, người thường xuyên uống rượu bia, đặc biệt là phụ nữ sau khi sinh.